Khái niệm kinh tế thị trường là gì? Kinh tế thị trường (kttt) là một tổ hợp bao gồm nhiều thành phần kinh tế khác nhau, nhiều loại hình sở hữu khác nhau. Chúng cùng vận động và phát triển dựa trên sự bình đẳng, ổn định, cạnh tranh và tuân thủ theo thể chế của pháp luật. Để hiểu rõ hơn về khái niệm này, cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây của Taichinh.vip nhé!
Nền kinh tế thị trường là gì?
Kinh tế thị trường được xem là một thành tựu nổi bật của nền văn minh nhân loại, phản ánh tích cực quá trình phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của con người.
Nền kinh tế thị trường được hình thành bởi nhiều thành phần kinh tế trong xã hội và các loại hình thức sở hữu riêng biệt như sở hữu tư nhân, sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể,… Trong đó các chủ thể tham gia đều bình đẳng với nhau, cạnh tranh văn minh phù hợp với khuôn khổ của pháp luật. Từ đó tạo nên môi trường kinh doanh tự do, công bằng và ổn định.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau về kinh tế thị trường. Ví dụ như theo Adam Smith với thuyết bàn tay vô hình thì kttt là nền kinh tế tự điều tiết và vận động theo sự thay đổi của thị trường, không có sự can thiệp của nhà nước. Hoặc theo J.M.Keynes kttt sẽ được hiểu dưới một góc độ khác, kttt sẽ do nhà nước quản lý.
Khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Tìm hiểu chung
Đây là mô hình kinh tế mà Việt Nam áp dụng, được thống nhất trong đại hội lần thứ VI của Đáng Cộng Sản Việt Nam năm 1986 và được ghi nhận trong hiến pháp 1992. Theo đó, kinh tế sẽ phát triển dựa trên cơ chế vận hành của thị trường, dưới sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ quá trình phát triển kinh tế dựa trên cơ chế cũ – kinh tế bao cấp trước đây với hai thành phần là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể (bao gồm kinh tế tư bản, tư nhân không được thừa nhận). Cho đến nay Việt Nam đã có nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại và phát triển với những hình thức sở hữu khác nhau.
Xem thêm bài viết liên quan: Kinh Tế Tuần Hoàn là gì?
Mục đích
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm hướng đến những mục tiêu đã được xác định như sau:
- Các thành phần kinh tế cạnh tranh công bằng, các chủ thể kinh doanh độc lập, tự chủ, tự do.
- Kinh tế phát triển mạnh mẽ trong nước, hội nhập với xu hướng toàn cầu hóa.
- Nền kinh tế hoạt động dưới sự quản lý của nhà nước và do Đảng lãnh đạo.
- Hướng đến nền kinh tế dân giàu, nước mạnh, dân chủ và văn minh.
Vai trò của kinh tế thị trường
Sự ra đời của nền kinh tế thị trường giúp đáp ứng quy luật cung cầu, thúc đẩy quá trình sản xuất, khai thác tối đa nguồn lực và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, sự vận động và thay đổi không ngừng của thị trường cũng tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế. Quá trình hội nhập diễn ra sẽ dẫn đến sự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chắt lọc và cải tiến khoa học kỹ thuật giúp nâng cao giá trị hàng hóa, gia tăng của cải và vật chất.
Kinh tế thị trường là một trong những mô hình kinh tế được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng bởi những lợi ích mà nó đem đến. Sự phát triển của kttt cũng giúp gia tăng sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, thúc đẩy các hoạt động trao đổi, mua bán diễn ra sôi nổi hơn. Từ đó giúp duy trì một nền kinh tế năng động và ổn định.
Ưu nhược điểm của nền kinh tế thị trường
Ưu điểm
Trong nền kinh tế thị trường, lượng cung cầu có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu lượng cầu càng lớn, thì giá cả hàng hóa sẽ tăng, mức lợi nhuận cũng tăng khuyến khích nhiều người tham gia sản xuất.
Kinh tế thị trường tạo ra động lực để các doanh nghiệp phát triển. Bởi muốn cạnh tranh hiệu quả, đáp ứng nhu cầu không ngừng biến đổi trên thị trường, các doanh nghiệp cần phải liên tục đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, mở rộng quy mô và mang đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng. Nếu không sẽ tụt hậu, bị thị trường đào thải.
Nền kinh tế thị trường tạo ra xu thế liên doanh, có lợi cho quá trình hội nhập bởi sự giao lưu kinh tế và chuyển giao công nghệ với các quốc gia phát triển nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển kinh tế nước mình.
Ngoài ra, nền kinh tế thị trường tạo nhiều cơ hội việc làm, khai thác tối đa nguồn lực con người.
Nhược điểm
Sự bất bình đẳng xã hội có thể được hình thành bởi cơ chế phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế thị trường. Những người giàu với lợi thế về tài sản sẽ ngày càng có nhiều của cải và quyền lực hơn, trong khi đó người nghèo sẽ ngày càng nghèo hơn. Từ đó dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo, hình thành sự phân chia của các giai cấp và có thể gây ra sự bất ổn trong xã hội.
Sau một thời gian dài cạnh tranh, các doanh nghiệp lớn sẽ thâu tóm những doanh nghiệp nhỏ hơn. Nền kinh tế thị trường sẽ dần chuyển thành nền kinh tế độc quyền, bị chi phối bởi các doanh nghiệp lớn, không có sự canh tranh họ sẽ dần điều khiển thị trường. Nếu không có sự can thiệp của Nhà nước, họ có thể toàn quyền quyết định giá cả và chất lượng sản phẩm, điều này gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, tranh nhau mở rộng quy mô sản xuất, theo thời gian dài có thể dẫn đến sự mất cân bằng cung cầu. Nguồn cung lớn hơn cầu, hàng hóa bị tồn đọng gây ra khủng hoảng thừa. Một hậu quả xấu nhất có thể xảy ra đó chính là sự khủng hoảng kinh tế, bởi giá cả giảm sút, doanh nghiệp phá sản, nạn thất nghiệp và lạm phát gia tăng.
Bởi những đặc điểm và hạn chế còn tồn tại của nền kinh tế thị trường, nên hầu như không có bất kỳ một quốc gia nào có một nền kinh tế tự do, tự phát, ít nhiều cũng sẽ chịu sự can thiệp và quyết định của Nhà nước để đảm bảo xây dựng và duy trì một môi trường kinh doanh lành mạnh và ổn định.
Mong rằng bài viết trên của Tài Chính Vip sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm kinh tế thị trường cũng như vai trò và ưu nhược điểm của nó. Hy vọng thông qua những thông tin đã giới thiệu ở trên, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức kinh tế thú vị bổ ích.